Tại sự kiện SIGGRAPH 2015, Nvidia đã chính thức giới thiệu 2 phiên bản mới của dòng card đồ họa chuyên nghiệp Quadro gồm Quadro M5000 và M4000. Tương tự phiên bản cao cấp nhất là Quadro M6000 được Nvidia ra mắt hồi tháng 3, 2 phiên bản này cũng được phát triển dựa trên vi kiến trúc Maxwell 2 và tích hợp nhiều công nghệ chuyên dụng.
Đầu tiên với Quadro M5000, Nvidia vẫn chưa công bố hãng trang bị cho nó phiên bản chip GM200 nào, có thể là GM204 hoặc GM206 nhưng nhiều khả năng vẫn là GM204 nếu dựa trên số lượng lõi CUDA và thiết lập bus nhớ. Dựa trên những con số này, có thể ví M5000 giống như một phiên bản Quadro của dòng GeForce GTX 980 với 2048 lõi CUDA, bus nhớ 256-bit. Dĩ nhiên là một chiếc card đồ họa chuyên nghiệp nên Quadro M5000 được tích hợp công nghệ tự động sửa lỗi bộ nhớ ECC trên DRAM nhưng lần này được tích hợp ở cấp độ GPU thay vì giải pháp phần mềm như các phiên bản thuộc dòng Quadro 5000 series trước.
Đi kèm với chip GPU GM204 là bộ nhớ GDDR5 dung lượng 8 GB với xung nhịp bộ nhớ 6,6 GHz. Nếu so với K5200 thì thông số bộ nhớ rất tương đương, do đó có thể nói Quadro M5000 sẽ là phiên bản kế nhiệm của K5200, hướng đến cùng một phân khúc thị trường.
Xung nhịp GPU tăng cường của Quadro M5000 vào khoảng 1,05 GHz mang lại hiệu năng xử lý single floating-point 32-bit (FP32) ở 4300 GFLOP, hiệu năng xử lý double floating-point 64-bit (FP64) 1/32, như vậy nếu so với Quadro M6000 thì hiệu năng của M5000 thấp hơn khoảng 1770 GFLOP và so với thế hệ Quadro K5200 thì cao hơn 1226 GFLOP.
Mặc dù vậy, mức tiêu thụ điện năng TDP của M5000 vẫn giữ ở 150 W tương tự K5200, nhờ đó phiên bản này có thể vận hành tốt ở các máy trạm dùng nguồn thấp với chỉ 1 kết nối PCIe 6-pin và trên thực tế mức TDP này còn thấp hơn nhiều phiên bản GeForce. M5000 vẫn được Nvidia thiết kế theo kích cỡ full-size 10,5", bên ngoài khá giống M6000.
Tiếp theo là M4000, phiên bản này cũng được phát triển dựa trên kiến trúc Maxwell 2, dùng chip GM204 nhưng có ít lõi CUDA hơn so với M5000. Do đó M4000 có hiệu năng thấp hơn, tiêu thụ điện năng ít hơn và giá thành cũng dễ chịu hơn. Với 1664 lõi CUDA thì có thể so sánh M4000 như một phiên bản Quadro của GeForce GTX 970. Mặc dù vậy, M4000 vẫn được trang bị 8 GB bộ nhớ VRAM, gấp đôi phiên bản tiền nhiệm K4200 và xung nhịp bộ nhớ ở 6 GHz. Tuy nhiên, M4000 lại không được tích hợp tính năng tự động sửa lỗi bộ nhớ ECC.
Xung nhịp GPU của Quadro M4000 dừng lại ở 780 MHz, cho hiệu năng xử lý single floating-point 32-bit (FP32) 2600 GFLOP, hiệu năng xử lý double floating-point 64-bit (FP64) 1/32. Mặc dù xung nhịp không cao hơn K4200 nhưng những lợi thế về kiến trúc, xung nhịp bộ nhớ và dung lượng bộ nhớ sẽ khiến hiệu năng đồ họa của M4000 chắc chắn cao hơn K4200. TDP của M4000 vào khoảng 120 W, thấp hơn M5000 nhưng vẫn cao hơn K4200 15 W.
Khác với M5000, M4000 là một mẫu card single-slot (mỏng hơn), kích thước còn 9,5". Để có được thân hình mỏng như vậy, Nvidia buộc phải hy sinh cổng DVI trên M4000, chỉ trang bị 4 cổng DisplayPort full-size.
Nhìn chung 2 phiên bản M5000 và M4000 đều khai thác các ưu điểm của kiến trúc Maxwell mới cũng như dòng chip đồ họa GM204, do đó hiệu năng xử lý điểm trôi, mức tiêu thụ điện năng đều được cải thiện. Bên cạnh đó, cả 2 đều được Nvidia tích hợp vi điều khiển màn hình mới và công nghệ giải mã NVENC cho phép xuất hình ảnh ra 4 màn hình 4K cùng lúc đồng thời tăng cường năng lực giải mã HEVC theo thời gian thật. Giá bán của Quadro M5000 và M4000 vẫn chưa được tiết lộ nhưng dự kiến sẽ tương đương với 2 phiên bản tiền nhiệm K5200 (giá $2000) và K4200 (giá $1000).
Bên cạnh việc giới thiệu 2 phiên bản card Quadro mới thì tại hội nghị SIGGRAPH 2015, Nvidia cũng đã công bố bộ phần mềm mới có tên DesignWorks. Đây vừa là một bộ sưu tập các công cụ, thư viện và công nghệ dành cho các nhà phát triển phần mềm và nhà thiết kế để tạo ra những sản phẩm mà chúng ta dùng hàng ngày như nhà cửa, máy bay, tàu hỏa, xe máy, ô-tô …
DesignWorks bao gồm các công cụ render, ảnh hóa vật liệu, hiển thị … trong đó đáng chú ý:
- Nvidia Iray SDK - một bộ framwork mô phỏng ánh sáng và render vật lý được tinh chỉnh, tích hợp các thuật toán mới để cắt giảm thời gian xử lý mỗi khi thay đổi thiết kế;
- Nvidia Material Definition Language (MDL) - một công nghệ cho phép tạo và chia sẻ các mô hình kỹ thuật số của các vật liệu ngoài đời thật giữa các ứng dụng;
- Nvidia vMaterials - một bộ sưu tập các vật liệu được phê chuẩn và tinh chỉnh để sử dụng trong các ứng dụng MDL;
- Nvidia Optix - một bộ framwork để xây dựng các ứng dụng ray-tracing. OptiX hiện đã hỗ trợ Nvidia Visual Computing Appliance, cung cấp hiệu năng có thể tăng cường tỉ lệ từ laptop đến trung tâm dữ liệu;
- DesignWorks VR - một gói các công cụ tích hợp tính năng thực tế ảo vào phần mềm thiết kế.