Tích hợp PCH vào CPU
Haswell dành cho Ultrabook sẽ tiêu thụ mức năng lượng thấp, chỉ 15W TDP, tương tự như vi xử lí trong những chiếc Ultrabook hiện tại. Điểm khác biệt lớn đó là Intel di chuyển PCH (Platform Controller Hub), một chip giải quyết vấn đề nghẽn cổ chai trong truyền tải dữ liệu, lên cùng "gói" với CPU (tất nhiên, chúng vẫn nằm trên hai đế khác nhau). Do đó, phiên bản dành cho Ultrabook của kiến trúc này chỉ nằm gọn trên một con chip duy nhất. Trong khi đó, với kiến trúc Sandy Bridge hiện tại, hai bộ phận CPU và PCH nằm riêng biệt với nhau nên tốn nhiều không gian hơn. Haswell có thể giúp các nhà sản xuất Ultrabook thu nhỏ bo mạch chủ lại và tận dụng khoảng trống để mở rộng dung lượng pin. Haswell cho Ultrabook sở hữu tối đa hai nhân trong vi xử lí.
Xử lí đồ họa nhanh hơn
Cả hai phiên bản của Haswell dành cho Ultrabook và máy tính xách tay đều sở hữu một trong GPU GT1, GT2 hoặc GT3. Tất cả đều được tích hợp chung với CPU, trong khi đó phiên bản dành cho desktop chỉ có tùy chọn GT1 và GT2 mà thôi. Hiện tại chưa có thông tin về sự khác biệt giữa ba cấu hình GPU nêu trên nhưng chắc chắn rằng sẽ có một cấu hình mạnh mẽ giúp Intel cạnh tranh với các card đồ họa rời, đặc biệt là trong mảng các thiết bị di động.
RAM tiêu thụ ít điện năng và Socket mới
Việc hỗ trợ bộ nhớ RAM của Haswell cũng được tối ưu hóa cho việc tiêu thụ năng lượng. Cả ba phiên bản của Haswell đều hỗ trợ RAM DDR3L kênh đôi, trong khi đó phiên bản cho Desktop vẫn có thể dùng DDR3 thông thường còn phiên bản cho Ultrabook có thể dùng với LPDDR3. Haswell cũng tích hợp bộ ổn định điện áp, cấu hình AVX 2.0, chế độ mã hóa AES-NI và công nghệ Hyper Threading (siêu phân luồng). Đối với Desktop, Haswell đòi hỏi chuẩn Socker mới mang tên LGA-1150.