Turbo Boost – chỉ có thể là tốt hơn
Với
sự ra đời của kiến trúc Nehalem năm 2008, Intel đã giới thiệu một tính
năng đột phá, thay đổi diện mạo và cách thức hoạt động của hầu hết CPU,
dù là desktop hay laptop. Đó chính là Turbo Boost, với một ý tưởng sáng
tạo và đột phá nhưng lại đơn giản đến nỗi, nhiều người chỉ tiếc tại sao
lại không nghĩ ra nó sớm hơn, ngay từ buổi đầu của cuộc đua CPU đa nhân.
Với
CPU đa nhân, Intel quyết định “tận dụng” khối silicon của mình một cách
thông minh hơn, với việc thay đổi xung của mỗi nhân tùy thuộc vào mức
đòi hỏi của ứng dụng. Chẳng hạn trên Core i7, khi chỉ có 2 nhân hoạt
động, bộ xử lý sẽ tự động nâng mức xung của 2 nhân hoạt động này (thông
qua hệ số nhân), trong khi tắt bớt 2 nhân kia đi để giữ mức TDP như cũ,
tức trong giới hạn cho phép. Nếu chỉ có một nhân hoạt động, xung nhịp
còn có thể được đẩy lên cao hơn 1 hoặc 2 nấc hệ số nhân nữa (tương đương
133 – 266MHz). Khi 4 nhân cùng hoạt động, mức xung nhịp trở về đúng giá
trị ban đầu mà Intel đã định cho CPU đó.
Trong
thực tế, Turbo Boost đã rất linh hoạt trong việc điều chỉnh xung nhịp
các nhân, nhưng vẫn chưa đạt được mức linh hoạt mà người ta mong đợi. Dù
sao, đây cũng là tính năng cực kì quan trọng giúp Intel có thể kết hợp
cả “xung cao” lẫn “nhiều nhân” vào cùng một con chip. Người dùng trước
đây vẫn phải đau đầu lựa chọn giữa một CPU ít nhân nhưng xung cao, và
một CPU nhiều nhân nhưng xung thấp, tùy thuộc vào ứng dụng người đó sử
dụng nhiều nhất có tận dụng tốt số lượng nhân thêm vào đó hay không. Đây
là một bài toán khó, và nhất là khi mục đích sử dụng của người dùng
luôn thay đổi, Turbo Boost đã giúp giải quyết được tất cả những vấn đề
của 2 loại CPU trên.
Turbo Boost thế hệ tiếp theo có gì?
Tại
IDF 2010 vừa kết thúc hôm qua tại San Francisco, Intel đã giới thiệu
nhiều thông tin về thế hệ vi kiến trúc CPU tiếp theo của họ – Sandy
Bridge. Một trong rất nhiều tính năng mà tôi quan tâm là Turbo Boost, và
liệu trên Sandy Bridge, mọi chuyện có gì thay đổi hay tiến bộ hơn? Câu
trả lời của Intel là “có”.
Sau
nửa tiếng đau đầu với việc cố gắng giải thích cơ chế hoạt động của
Turbo Boost mới, chúng tôi cũng đã hiểu cách mà Intel cải tiến công nghệ
này: áp dụng lý thuyết Turbo Boost và tiến gần hơn đến thực tiễn. Một
số hình ảnh minh họa sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ vấn đề hơn.
Vạch
dưới cùng trên hình là năng lượng tiêu thụ khởi điểm, khi CPU idle và
Turbo Boost chưa được kích hoạt. Vạch trên cùng là mức TDP (Thermal
Design Power – tạm dịch “công suất nhiệt”) mà Intel khống chế cho mỗi
dòng CPU. Đây là mức công suất nhiệt năng cao nhất có thể hoạt động
được, mà Intel cho rằng sẽ không ảnh hưởng tới hiệu năng hay tuổi thọ
của CPU.
Ở
bên tay trái, bạn thấy đường đồ thị thể hiện trạng thái xung nhân khi
Turbo Boost được kích hoạt trên kiến trúc Nehalem cũ. Bộ điều khiển PCU
(Power Control Unit) quyết định mức TDP vẫn nằm dưới mức giới hạn cho
phép, và tăng xung cùng cường độ dòng điện lên mức tương ứng, giúp gia
tăng hiệu năng và tận dụng triệt để mức TDP cao nhất có thể. PCU cũng
“cho rằng” mức TDP mới của CPU sẽ đạt được ngay tức thì, cùng thời điểm
khi mà xung nhịp và cường độ dòng điện tăng. Ví dụ: nếu CPU có 1 nhân
hoạt động ở TDP 40 watt và mức xung 2.5GHz, Turbo Boost quyết định sẽ
tăng mức xung này lên 2.8GHz, ứng với TDP 50 watt. PCU lúc này cho rằng,
mức TDP 50 watt là đạt được ngay tức thì.
Đáng
tiếc, trong thực tế mọi việc không diễn ra một cách trơn tru như vậy.
Điều thực sự xảy ra là đường đồ thị “cong cong” như Turbo Boost của
Sandy Bridge biểu hiện. Khi nhân CPU được cung cấp thêm năng lượng và
đẩy xung lên 2.8GHz gần như tức thì, thì mức TDP không tăng cấp kì như
vậy: TDP mất một thời gian để tăng và rồi ổn định ở mức mới. Turbo Boost
mới của Sandy Bridge nhận biết điều này và lợi dụng khoảng thời gian
này để tăng xung cùng cường độ dòng điện cao hơn nữa, trong khi TDP vẫn
còn nằm trong mức cho phép.
Trong
khoảng thời gian này (kí hiệu “s”), Intel đã quyết định họ sẽ tăng mức
xung Turbo Boost thậm chí cao hơn cả mức mà TDP cao nhất cho phép. Có
thể CPU TDP giới hạn mức xung cao nhất có thể là 2.8 GHz, nhưng Turbo
Boost hậm chí tăng mức này lên tới 3.2GHz trong thời gian s, và giảm từ
từ trong khi “chờ” TDP tăng đến giới hạn. Một khi TDP đã tới hạn, Turbo
Boost lúc này cũng đã “kịp thời” giảm xung CPU xuống đúng 2.8 GHz như
trước. Thời gian s chính là thời gian mà người dùng tận hưởng lợi ích
mới mà mức xung Turbo Boost cao mang lại, và dù nó không dài lắm, tôi
cảm tưởng tính năng này sẽ khá hiệu quả, vì hiếm khi CPU duy trì ở một
mức xung cao liên tục do đòi hỏi phần mềm.
Intel nói gì về Turbo Boost mới?
Intel
chưa đưa ra thông tin gì thêm về bước nhảy xung mới này, liệu nó có cao
không, có khả năng nào tùy chỉnh giữa “tăng ít nhưng lâu” và “tăng
nhiều nhưng chóng vánh” hay không, v..v.. Dù sao, khoảng thời gian s
chính xác là nơi mà Intel cho biết, người dùng sẽ nhận được một “cú
hích” (boost) về hiệu năng và tốc độ đáp ứng của hệ thống
(responsiveness), chẳng hạn khi mở ứng dụng, load tập tin phức tạp hay
thực hiện việc giải mã, mã hóa. Đây cũng chính xác là những gì người
dùng cần và mong muốn ở Turbo Boost. Và nếu bạn nghĩ thời gian “s” kia
sẽ thay đổi tùy thuộc vào cấu hình hệ thống hay hiệu quả làm mát trên hệ
thống của mình, thì Intel đã “vùi dập” không thương tiếc ý nghĩ này.
Thời gian “s” được ấn định tối đa ở mức 25 giây, sau khi các kĩ sư và QA
của Intel nghiên cứu kĩ lưỡng những tác động của tính năng Turbo Boost
mới đối với vi xử lý. Sau 25 giây, mức xung Turbo Boost sẽ trở về như
thời Nehalem (trong ví dụ ở trên là về mức 2.8GHz), và vẫn còn có khả
năng nâng cao lên trở lại sau một khoảng thời gian xác định.
Turbo Boost và khả năng “hồi phục” thông minh
Như
đã nói ở trên, Turbo Boost sẽ giảm dần mức xung khi TDP chạm giới hạn
cho phép, nhưng mọi thứ còn phức tạp hơn khi Turbo Boost vẫn có thể đẩy
xung CPU lên cao trở lại nếu điều kiện cho phép. Thực tế, Turbo Boost sẽ
“lưu lại” các mức TDP khi hoạt động và quyết định xem, khi nào và bao
lâu có thể kích hoạt lần “lên đỉnh” tiếp theo (chúng ta cứ tạm gọi đỉnh
2.8GHz là đỉnh 2, còn đỉnh 3.2GHz là đỉnh 1). Cụ thể: khi CPU chạy dưới
mức TDP tối đa và CPU load nhỏ hơn 100%, nó sẽ “tự sạc” lại để có thể tự
thưởng cho mình một lần lên đỉnh 1 nữa. tùy thuộc vào mức TDP kia nằm
dưới top TDP bao nhiêu và CPU load là bao nhiêu. Quả thật là nhức não!
Xem
hình vẽ phía trên, trong các khoảng thời gian “x”, CPU tự biết nó đang
chạy không tải, do đó nhiệt độ CPU đã giảm xuống gần hoặc ngang bằng với
mức nhiệt độ thấp nhất có thể. Khi đó CPU sẽ tự thưởng cho mình bằng
một cú “boost” trong lần load tiếp theo. Và ngay cả trong thời gian
“x/2” CPU không idle hoàn toàn, nó vẫn có thể “tự hồi phục” nhưng chậm
rãi hơn, và sẽ mất nhiều thời gian hơn để “lên đỉnh” lần nữa. Nói cho dễ
hiểu với các fan RPG: CPU của bạn cần thời gian hồi phục “mana” và sẽ
tung chưởng “Turbo Boost” khi nào mana đầy. Đáng tiếc, Intel không cung
cấp “tốc độ hồi phục – mana recharge rate” là bao nhiêu, vì vậy các
tester sẽ có rất, rất nhiều việc để làm khi Sandy Bridge ra mắt, nhằm
vén hoàn toàn bức màn bí mật quanh tính năn “lạ mà quen” này. Điều khó
khăn nằm ở chỗ: Turbo Boost nay không còn hoạt động theo một cách mà
chúng ta có thể “đoán biết” trước, nó phụ thuộc vào cách và thói quen sử
dụng CPU load của bạn như thế nào, và tất nhiên thời điểm benchmark
cũng cần được tính toán cẩn thận để đảm bảo rằng, Turbo Boost sẽ đạt
trạng thái tốt nhất, cho xung CPU cao nhất. Điều này cũng giống như
trước khi chiến trùm cuối, nhân vật của bạn cần hồi phục toàn bộ mana để
có thể sẵn sàng “tung hết công lực”.
Dù
thời gian hồi phục của CPU vẫn chưa được Intel công bố, một điều chắc
chắn duy nhất là nó không phụ thuộc vào giải pháp tản nhiệt của bạn xịn
cỡ nào. Intel đã cố định con số đó, và cho biết nó sẽ nhanh hơn nhiều so
với chúng ta tưởng tượng. Họ cam đoan, ngay cả trong điều kiện
benchmark khắc nghiệt liên tục, những cú “boost” đầy đủ công lực vẫn xảy
ra rất thường xuyên.
Turbo Boost không phụ thuộc vào nhiệt độ CPU
Dù
rằng có thể từ đầu bài đến giờ, bạn đã nghĩ toàn bộ quá trình Turbo
Boost hoạt động phụ thuộc vào TDP – nói cách khác là nhiệt độ CPU, tuy
nhiên điều này là hoàn toàn sai lầm. Intel không sử dụng cảm biến nhiệt
độ để tính toán tốc độ Turbo Boost, thay vào đó, họ sử dụng mạch đo
cường độ dòng điện cung cấp cho CPU, từ đó tính toán TDP khi tản nhiệt
khí đi kèm (stock fan) và toàn bộ thuật toán Turbo Boost sẽ sử dụng các
giá trị tham chiếu đó.
Điều
này có vẻ không vui vẻ cho lắm, nhất là đối với các rân chơi hạng nặng.
Turbo Boost sẽ không hoạt động khác đi dù rằng CPU của bạn có nhiệt độ
thấp hơn khi dùng stock fan cả 10-20 độ, và bạn đã trang bị cho mình một
dàn water-cooling hoành tráng. Nói cách khác, không thể thay đổi được
gì tính năng Turbo Boost này, hay kéo dài thời gian nó diễn ra. Tất
nhiên, người dùng không làm được thì sẽ có việc cho các nhà sản xuất
mainboard làm, và tôi sẽ đề cập đến vấn đề này ở phần sau.
Overclock với Sandy Bridge sẽ hoàn toàn thay đổi
Sandy
Bridge sẽ không có base clock dễ thay đổi như các thế hệ trước, tin
buồn này chúng ta đã biết từ lâu. Việc Intel ép OCer sử dụng các CPU
dòng K (unlock hệ số nhân) đã là một thiệt thòi, tuy nhiên với cách mà
Turbo Boost hoạt động như đã đề cập ở trên, gần như không còn lối thoát
nào cho người tiêu dùng ít tiền ngoại trừ việc “Intel cho gì thì dùng
nấy”.
Người
tiêu dùng không hài lòng, các nhà sản xuất mainboard cũng sẽ không hài
lòng. Khả năng overclock gần như là tiêu chí duy nhất để phân biệt các
dòng mainboard cao cấp so với các sản phẩm mainboard khác, vì vậy họ sẽ
không thể để Intel cướp mất miếng cơm của mình (với giả thiết của tôi là
đa số người dùng không mua CPU dòng K). Khi không sử dụng CPU dòng K,
không có khả năng tăng base clock, cách duy nhất để người dùng can thiệp
vào xung nhịp CPU Sandy Bridge giờ đây chính là Turbo Boost. Từ một
tính năng được các OCer “ưu tiên” tắt bớt đầu tiên ở thế hệ Nehalem, nay
Turbo Boost sẽ trở thành anh hùng cứu thế với Sandy Bridge. Dù vậy, OC
“bằng tay” với Turbo Boost thay vì để Turbo Boost tự động, dự đoán cũng
sẽ không dễ dàng.
Ở
thế hệ Nehalem, tăng VCore CPU đơn giản chỉ là việc thay đổi một thiết
lập trong BIOS, nhưng với Sandy Bridge, mọi chuyện sẽ không đơn giản như
vậy. Khi Turbo Boost bắt buộc phải được bật, điện áp CPU chắc chắn cũng
sẽ bị giới hạn bởi một ngưỡng nào đó, để cường độ dòng điện không vượt
quá mức tối đa mà Turbo Boost cho phép (Turbo Boost dựa vào cường độ
dòng điện để tính toán TDP theo tản nhiệt chuẩn và không cho phép cường
độ này vượt quá mức tối đa). Điều duy nhất tôi có thể dự đoán lúc này,
đó là việc các nhà sản xuất mainboard có khả năng sẽ can thiệp bằng việc
“đánh lừa” CPU về cường độ dòng điện mà nó đang được nhận. Việc này sẽ
mất kha khá công sức và thời gian, chứ không đơn giản là dồn thật nhiều
phase và chích điện hết ga như ở Nehalem. Một khả năng khác là tìm cách
thay đổi giá trị TDP tối đa mà Turbo Boost cho phép, tuy nhiên họ có khả
năng này hay không thì thật khó nói. Turbo Boost thế hệ 2 còn rất nhiều
câu hỏi khác cần lời đáp, đáng tiếc là chẳng có đáp án nào cụ thể cả.
Sơ kết
Dù
gì, Sandy Bridge vẫn là một kiến trúc còn ẩn chứa nhiều bí mật hấp dẫn.
Trong toàn cảnh bức tranh mà Intel vẽ ra, Turbo Boost nhiều khả năng sẽ
là điểm nhấn về chiều sâu công nghệ, cũng như sự phức tạp mà nó đem lại
cũng vượt xa so với thời Nehalem. Ông bà ta thường nói, “cái khó ló cái
khôn”, nhưng ai biết được, trào lưu CPU desktop trong năm tới có thể sẽ
là “về zin chạy default”?
Theo VOZ